Marko là giáo viên tiếng Anh. Tại sao Marko viết văn?
Tôi viết lách từ thời cấp 2… Đây là một khao khát, một nhu cầu tinh thần không cưỡng lại được. Có lẽ tôi viết vì cảm thấy mình chưa trọn vẹn, mình có một vết thương gì đó trong lòng, và viết lách là cách để xoa dịu nỗi đau, để hàn gắn vết thương đó. Có lẽ tôi viết để mở lòng với thế giới bên ngoài, để chia sẻ những gì nằm trong thâm tâm, những gì tôi chưa dám hoặc chưa biết cách để nói ra. Về bản chất, tôi là một người hướng nội và kín đáo, tôi gặp khó khăn trong việc chia sẻ với thế giới bên ngoài. Chính vì thế mà tôi bắt đầu viết văn tại thời cấp ba khi cảm thấy mình rất cô đơn, rất cô lập. Viết lách trở nên một cách để tâm sự với độc giả không tên thường biết thông cảm với tác giả.
Có lẽ tôi viết vì tôi suy nghĩ nhiều. Và tôi suy nghĩ nhiều vì luôn cố gắng tìm ra ý nghĩa, hiểu ra cuộc sống này. Vai trò của tác giả không chỉ là đặt ra cho độc giả những câu hỏi sâu sắc về cuộc sống mà còn đề nghị hay ám chỉ những giải pháp. Tôi cố gắng tìm ra mục đích trong đời này. Không có mục đích, cuộc sống ta vô nghĩa và vô vọng, chúng ta chỉ tồn tại để ăn uống, đi làm, ngủ và chờ đợi cái chết. Cái mục đích trong đời sống mang cho ta ý nghĩa và sức lực, truyền cho ta cảm hứng và năng lượng. Động lực chính của tất cả mà tôi từng viết trong suốt mười lăm năm qua, thông điệp và ý nghĩa lớn nhất của mọi truyện, cuốn sách mà tôi từng viết là tìm ra mục đích đó.
Và theo tôi, mục đích cuộc sống là – phấn đấu. Phấn đấu cho đến cuối cuộc đời, không bao giờ bỏ cuộc, dù hoàn cảnh của ta như thế nào đi nữa. Ý nghĩa của từ ”phấn đấu” có thể thay đổi theo người phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và các khó khắn của từng người: có lẽ bạn phải đấu tranh với các khó khăn tài chính hay với các vấn đề trong gia đình, xã hội, hay với khuyết điểm của chính mình. Ai cũng gặp khó khăn, ai cũng phải đấu tranh.
Và đấu tranh với chính mình có lẽ là trận khó khăn, xứng đáng, quan trọng nhất. Có rất nhiều vấn đề trong đời xuất phát từ chính ta, do lỗi sai của ta trong cách suy nghĩ, cách cư xử với người khác, cách đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, do các khuyết điểm trong tính cách mà chúng ta không đủ sức và lòng can đảm để xử lý. Đấu tranh không phải là thay đổi thế giới mà thay đổi chính mình. Chúng ta thường không thể thay đổi hoàn cảnh sống, chúng ta không có khả năng chọn gia đình, quê hương của mình, thậm chí không thể chọn gen di truyền và thể chất khi ra đời, tuy nhiên chúng ta có khả năng tạo ra chí khí, uốn nắn tính nết, sửa chữa các khuyết điểm trong cách suy nghĩ và hành vi hằng ngày…
Trong Phố Nhà Thờ, nhân vật chính, sau khi gặp tai hoạ và bị thất tình một cách không ai ngờ tới, quyết định đối mặt với chính bản thân, với lòng ích kỷ và tự phụ của mình, và song song với sự thay đổi đó, cả Việt Nam thay đổi trong mắt anh ta, anh ta bắt đầu khám phá một Việt Nam chưa từng thấy.
Tại sao Marko viết Phố Nhà Thờ? Cảm hứng của Marko là gì?
Tôi quyết định viết Phố Nhà Thờ vì hai lý do và có hai nguồn cảm hứng.
Thứ nhất, tôi muốn viết và kể sự thật về cuộc sống của người nước ngoài tại thủ đô Hà Nội. Tôi miêu tả cộng đồng người phương Tây một cách trung thực và thực tế, chia sẻ những gì người Việt chưa biết hay nghĩ sai về chúng tôi. Độc giả Việt có thể khám phá thế giới ”khuất” của người tây và hiểu rõ hơn góc nhìn của chúng tôi về đất nước này. Trên thực tế chúng tôi như thế nào? Chúng tôi thích gì và ghét gì ở Việt Nam? Chúng tôi cư xử nhế nào? Tôi luôn kể sự thật và không ngại chỉ trích hành vi của người nước ngoài nếu nó không đúng đắn, không tốt đẹp.
Tôi thậm chí có thể nói rằng Phố Nhà Thờ là một tiểu thuyết về Hà Nội. Tôi sống ở đây từ năm 2016 và cảm thấy mình rất gắn bó với thành phố này. Trong cuốn sách, tôi viết về các nơi chốn yêu thích của thủ đô, cố gắng miêu tả ”tâm hồn” của Hà Nội cũng như những điều không thực sự tích cực.
Thứ hai, tôi quyết định viết Phố Nhà Thờ để chia sẻ cảm xúc và nội tâm của mình với độc giả. Tôi muốn chia sẻ những cảm tưởng sâu thẳm của mình, những nỗi sợ hãi và phấn đấu, chia sẻ tất cả nằm sâu trong lòng tôi mà tôi ít khi dám nói thành lời. Tôi không giấu giếm gì khi viết về những thử thách, về tình yêu, về lòng ích kỷ… Tôi viết vì muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất trong đời sống, vì muốn hiểu tại sao chúng ta thất bại, tại sao chúng ta chưa hạnh phúc, trọn vẹn… Tôi viết để tìm ra những giải pháp và chia sẻ chúng với độc giả.
Tôi tin rằng chúng ta rất giống nhau, và các thử thách mà ta gặp trong đời không khác nhau bất luận ta đến từ đâu, là người nước nào. Rất nhiều vấn đề trong đời xuất phát từ tâm lý và tư duy con người, từ cách chúng ta suy nghĩ và nhận thức thực tế. Tôi viết để tự giúp mình giải đáp các thắc mắc của chính tôi về tâm lý và tư duy. Và qua việc đó, câu chuyện của tôi có thể giúp đỡ nhiều người khác tìm ra các câu trả lời tương tự.
Cuốn sách là tự truyện hay hư cấu?
Tât cả mà tôi từng và sẽ viết liền kết với tôi. Tôi lấy cảm hứng từ các sự kiện và người tôi từng gặp trong đời, tôi lấy chất liệu từ những diễn biến hàng ngày. Tiểu thuyết giống như một tranh xếp hình, tôi sưu tầm hàng loạt mảnh nhỏ trên con đường đời – những người, sự kiện, lời nói, hình ảnh – rồi tôi ghép chúng lại với nhau, bất cứ tình tiết nào diễn ra trong đời tôi có thể vào câu truyện dưới một hình thức nào đó. Tôi tạo đa số nhân vật trong Phố Nhà Thờ dựa trên người thật. Và câu hỏi mà các bạn chắc đang thắc mắc đến là Nicolas, nhân vật chính, có phải là tác giả không?
Câu trả lời là có. Nicolas là tôi, hay nói một cách chính xác hơn, Nicolas là phiên bản cũ của tôi. Nico phản ánh các hành động, suy nghĩ và lỗi sai của tôi trong quá khứ, và song song với đó, các điều bất hạnh và đau buồn mà các lỗi sai đó đã dẫn đến. Phố Nhà Thờ là một câu chuyện về sự vấp ngã của người hưởng thụ cuộc sống thay vì suy ngẫm về nó:
Mấy tháng trước, khi nhìn mình trong gương, tôi đã thấy một chàng trai quyến rũ, thành công, sung sướng. Còn bây giờ, tôi chỉ thấy trong gương một kẻ khốn nạn nhạt nhẽo đã mất đi điểm tựa, niềm tin và phương hướng cuộc đời.
Nicolas là một người tự phụ và ích kỷ. Tuy nhiên, anh ta trở nên ích kỷ do hoàn cảnh sống chứ không vì một nét bẩm sinh:
Quả thật, cuộc sống dư dật và sung túc đã làm tôi quá tự tin, quá hãnh diện, nó dần khiến tôi trở nên cao ngạo và tự mãn.
Theo bản năng, con người hay trốn trước một điều không lành, nguy hiểm. Chúng ta thà trốn thực tế và tự nuôi những ảo tưởng còn hơn đối mặt với nó. Nhưng chúng ta không thể chạy trốn chính mình:
Tôi cố chạy trốn thực tế nhưng ở cuối mỗi kỷ niệm, mỗi góc khuất tâm hồn, tôi lại tìm thấy… tính ích kỷ của mình.
Phố Nhà Thờ kể về hành trình trưởng thành của người không trọn vẹn, kể về một đấu tranh của người quyết tâm sửa chữa bản thân mình. Vào lúc nào đó trong truyện, sau khi bị thất tình và vấp ngã, Nicolas tâm sự:
Tôi đến đây để trốn Hà Nội. Trước đó, tôi đến Hà Nội để trốn Pháp. Anh biết không, tôi chạy trốn gì đó suốt đời mình. Chạy trốn những thử thách và thất bại, tránh phải đối mặt với sự thật. Nhưng anh biết không, đây là lần cuối cùng, vì tôi sẽ không chạy trốn nữa.
Qua nhân vật Nicolas, tác giả trao đổi với chính mình để tìm hiểu mình là ai và mình làm gì trên đời này. Thông qua Nicolas, tác giả chia sẻ với độc giả những góc khuất nhất trong lòng mình, những nỗi sợ hãi của trái tim và những khiểm khuyết, tật xấu của cá tính. Bởi về bản chất, những khiểm khuyết của chúng ta giống nhau, và độc giả có thể tìm thấy chính mình trong nhân vật của Nicolas.
Tại sao Marko chọn tựa đề Phố Nhà Thờ?
Tôi đã luôn muốn viết một tiểu thuyết về Hà Nội nên tôi cố tình chọn một địa danh nổi tiếng làm tựa đề. Từ ngày đầu tiên tôi đặt chân tại thủ đô, Nhà thờ lớn quyến rũ tôi, khiến tôi mê mẩn, gần như mê hoặc. Bao nhiêu lần tôi đã lang thang một mình tại khu vực này hoặc hẹn với bạn bè trên ban công của quán cà phê với view của quảng trường Nhà thờ ở phía dưới. Từ xưa nay khu vực này rất đặc biệt với tôi, nó vừa lãng mạn vừa cổ xưa, khác biệt:
Tôi thích không khí vừa náo nhiệt vừa lãng mạn tỏa ra từ quảng trường bao quanh bởi những lớp cây dày và tòa nhà cổ kính nằm ở giữa. Tôi thích ngắm những cặp tình nhân trẻ chụp ảnh náo nhiệt hoặc ngồi thanh thản trên những ban công cao khuất phía sau cây cối. Tôi thích chiêm ngưỡng Nhà thờ, chưa hết kinh ngạc và mê mẩn trước vẻ đẹp xưa cũ kiêu sa của nó.
Và không chỉ vậy, Phố Nhà Thờ là nơi mà hai nhân vật chính của tiểu thuyết – Nicolas và Trà My – gặp nhau. Họ thường xuyên hẹn hò tại khu vực đó. Một lần, Nicolas nói chuyện với Trà My về Nhà thờ. Trà My nói:
Em thích Nhà thờ. Nó xưa cũ và nguyên vẹn, đứng giữa lòng Hà Nội mà khác biệt hẳn với xung quanh. Nó không e ngại mà còn tự hào vì mình khác biệt. Trong xã hội hiện tại thì thường rất là khó sống khác biệt với đám đông.
Về sau, Nhà thờ sẽ luôn nhắc Nicolas về Trà My và về một tình yêu đã qua:
Khi nghĩ đến con phố này, lòng tôi nghẹn thắt vì nhiều ký ức êm đềm đã qua: khi tôi đến quảng trường ấy đón em bên bức tượng Đức Mẹ, khi chúng tôi hẹn hò bên Nhà thờ, ngắm nhìn nó trong yên lặng, trong vòng tay nhau. Nhà thờ vẫn còn thu hút tôi bằng ma lực vô hình nào đó, bằng vẻ đẹp khó diễn ta thành lời.
Marko đã gặp khó khăn gì trong quá trình xuất bản tiểu thuyết ở Việt Nam?
Quá trình xuất bản cuốn sách này đã dạy tôi một bài học lớn về cuộc sống. Kinh nghiệm này đã dạy cho tôi rằng nhiều khi, một câu chuyện thành công xuất phát từ một thất bại. Và cách chúng ta xử lý thất bại đó là điều cốt yếu.
Việc viết một tiểu thuyết bằng ngoại ngữ (mà tôi bắt đầu học chỉ ba bốn năm trước) là một dự án không lồ, một thành tích lớn khiến tôi rất hãnh diện. Viết xong, tôi quyết định liên lạc với một trong những nhà xuất bản tốt nhất và uy tín nhất Việt Nam: Nhã Nam. Tôi gửi bản thảo và chờ câu trả lời của họ trong tâm trạng khá tự tin. Tuy nhiên, tôi đã không biết rằng Nhã Nam khá kén chọn và chủ yếu in sách dịch của tác giả nổi tiếng thế giới và ít khi xuất bản những tác giả trong nước.
Thế mà câu trả lời của họ tát thẳng vào mặt tôi và phá hủy hết sự tự tin: TỪ CHỐI. Bản thảo chưa đủ tốt, nhiều đoạn vẫn sơ sài, thiếu điểm nhấn. Một email dài liệt kê những điểm yếu của Phố Nhà Thờ. Tôi đã buồn nản và thất vọng đến mức mất ngủ mất ăn. Tôi biết rằng ở Việt Nam có hàng trăm nhà xuất bản và thuyết phục một NXB khác in Phố Nhà Thờ sẽ điều dễ dàng bởi chủ đề của nó hấp dẫn và tác giả là người NƯỚC NGOÀI. Điều mà tôi chỉ cần làm là liên lạc với các đối thủ lớn của Nhã Nam.
Tuy nhiên, tôi đã không làm thế.
Thay vì làm ngơ trước thất bại này, tôi quyết định xử lý, phân tích nó đến tận gốc rễ của vấn đề. Tôi tự đặt cho mình hai câu hỏi: Tại sao tôi đã thất bại? Và làm thế nào để giải quyết những điều đã dẫn đến thất bại? Nói cách khác, tôi quyết định sửa lại bản thảo và cố gắng thuyết phục Nhã Nam một lần nữa.
Thứ nhất, tôi thu thập feedback chân thật, tường tận của một vài bạn để xác định các điểm đáng sửa lại. Thứ hai, tôi tranh thủ nghi lễ Tết và trốn thành phố với một bạn thân để tìm sự im lặng của núi non. Tôi dành ba ngày trên núi để suy ngẫm thật kỹ lưỡng, thấu đáo về bản chất của tiểu thuyết, và để tìm ra cách giải quyết các điểm yếu của nó. Thứ ba, tôi dành hơn hai tháng để sửa chữa bản thảo, bỏ ra hai ba tiếng mỗi ngày, hy sinh toàn bộ thời gian rảnh rỗi để cải thiện tiểu thuyết, viết thêm cảm nghĩ, phát triển thêm tâm lý của các nhân vật, sửa lối viết… Tôi thậm chí xoá cả một phần ba của cuốn sách (khoảng một trăm trang) và viết lại từ đầu… Tôi muốn viết một câu chuyện mà người đọc sẽ thích thú và nhớ chính vì câu chuyện đó thú vị và cảm động, chứ không phải vì tác giả là người nước ngoài. Và ước mơ đó dành cho tôi động lực và tạo sức mạnh để hoàn thành công việc này.
Ba tháng sau, tôi gửi lại bản thảo cho Nhã Nam, và họ hoan nghênh nó, công bố tiểu thuyết Phố Nhà Thờ đã đủ chất lượng và đã được các BTV của Nhã Nam chấp nhận. Và tôi đã ký được hợp đồng.
Tại sao Marko quyết định học tiếng Việt?
Từ trước đến nay tôi rất tò mò về ngoại ngữ và đã từng học hơn mười ngôn ngữ. Một ngôn ngữ mở ra nhiều cánh cửa cho ta như thể mỗi ngôn ngữ chứa đựng một thực tế riêng. Khi tôi nói chuyện hay đọc sách bằng tiếng Việt, cảm giác mà tôi có khác hẳn khi tôi nói chuyện hay đọc sách bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Nicolas cũng nói:
Việc học tiếng Việt mang lại cho tôi một trải nghiệm chưa từng có. Khi học một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, tôi đồng thời thích thú bước vào một thực tại mới, khám phá cách suy nghĩ và cách nhìn mới mẻ.
Biết ngôn ngữ giúp tôi tìm hiểu sâu sắc hơn về đất nước này, hiểu biết văn hoá, phong tục, tính cách dân tộc. Và càng thấu hiểu đất nước này, tôi càng có thể đồng cảm, gắn bó với nó. Tôi có thể tự cảm thấy mình thuộc về nó, mình là một phần của nó chứ không phải là khách mời, một cá nhân nước ngoài xa lạ. Cảm giác được thuộc về đất nước này là yếu tố thiết yếu trong quá trình hội nhập. Để bạn thấu hiểu được một đất nước và cảm nhận tâm hồn của nó, bạn nhất định phải biết ngôn ngữ của nó.
Học một ngôn ngữ khó như tiếng Việt đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực, thời gian. Tuy nhiên, tôi có thể nói chắc rằng kết quả rất xứng đáng! Biệt được tiếng Việt mang cho tôi rất nhiều thứ tốt đẹp, nó giúp tôi yêu Việt Nam một cách sâu đậm hơn. Bây giờ tôi có thẻ giao tiếp với người dân bằng tiếng của họ, tôi có thể xem tivi, đọc sách báo, theo dõi các diễn biến trong nước, kể cả hiểu khi hai người trên phố nói chuyện phiếm về ông tây” (tôi)! Và thêm vào đó, việc biết tiếng Việt giúp tôi rất nhiều trong công việc, khi dạy tiếnh Anh ở Việt Nam vì bây giờ tôi hiểu rõ hơn về các sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và về các khó khăn mà học sinh Việt thường gặp khi học tiếng Anh.
Marko đã viết gì trước khi sang Việt Nam?
Tôi viết sách từ tôi 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách ở Serbia, Châu Âu (2006, 2011). Cuôn sách thứ nhất là một tiểu thuyết về tâm lý mà tôi xuất bản lúc còn học cấp ba. Cuốn sách thứ hai kể về cuộc hành trình kéo dài 77 ngày thông qua tám quốc gia Trung Đông mà tôi hoàn thành vào năm 2008, khi tôi mới 20 tuổi. Trong cuốn sách ”Ezan” tôi không chỉ kể về cuộc phiêu lưu của tôi (lúc đó là sinh viên đại học) qua khu vực hỗn loạn (tôi mang theo rất ít tiền và đành phải dùng sự khéo léo để xoay sở đủ cách qua một chặng đường dài khoảng 16,000 kilô mét) mà còn kể về văn hoá, lịch sử, phong tục và cả tâm hồn của Hồi giáo. Ngay sau khi ra mắt, ”Ezan” được đề cử cho hai giải thưởng văn học lớn trong nước.
Tuy nhiên, năm đó tôi sang nước ngoài du học và từ bỏ việc quảng bá cuốn sách của mình tại quê Serbia. Thời điểm du học ở Latvia tôi không còn viết văn nhưng tôi thực hiện những nghiên cứu tại đại học và thậm chí đăng một nghiên cứu khoa học bằng tiếng Pháp vào năm 2014.