“Quả thật, cuộc sống dư dật và sung túc đã làm tôi quá tự tin, quá hãnh diện, nó dần khiến tôi trở nên cao ngạo và tự mãn.”
Hà Nội: ấn tượng đầu tiên
Qua cửa kính, tôi quan sát thành phố chín triệu dân, tiếp xúc với nó lần đầu tiên. Hà Nội. Trước khi đến đây, tôi đã mang theo một số hình ảnh có sẵn về thành phố này, cùng một số kỳ vọng nhất định được thiết kế theo trí tưởng tượng mà không dựa hẳn trên thực tế. Lúc còn ở Pháp, tôi đã hình dung Hà Nội như một chốn vẫn còn sống ở quá khứ, ở thời xa xưa trông như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn, một chốn tràn ngập cảnh hài hòacủa những con phố cổ kính có kiến trúc thực dân với những người dân đi xe đạp, đội nón lá. Nói tóm lại, một chốn exotique, đẹp kỳ lạ. Người Tây hay hình dung một phương Đông rất cổ xưa và lãng mạn, rất exotique.
Còn bây giờ, vào những giây phút đầu tiên tôi bắt gặp phương Đông đó, tôi giật mình như thức khỏi giấc mơ, sững sờ trước một thực tế không hề mong đợi, không hề hài hòa, xán lạn. Cái thực tế như một thùng nước lạnh tạt vào mặt tôi. Sững người, tôi ngồi trên xe và trố mắt nhìn qua cửa kính một mớ bòng bong, một thành phố xô bồ và hỗn loạn lấn át mọi giác quan. Tôi quét mắt qua các con phố một lượt, thấy cơ man nhữngbiểnhiệuto tướng,nhà hàng, nhà nghỉ, cửa hàng tập hóa, tẩm quất, sửa xe Honda,thấy bao nhiêu xe di chuyển vu vơ trên phố, những chiếc xe máy bấm còi loạn xạ, chật vật trong đám khói của xe buýt chậm chạp, những anh shipper chở hàng hóa cồng kềnh, luồn lách bạt mạng… Đùng! Hai xe máy đụng nhau, một gã bị ngã. Như máy, anh ta đứng dậy, lên xe và lái đi tiếp mà không lộ biểu cảm gì cả, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi hoảng sợ nhìn theo dòng xe máy luồn lách khéo léo và tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ dám lái xe máy ở đây. Quá nguy hiểm, tai nạn giao thông chắc xảy ra như cơm bữa.
Tôi dụi mắt, cố phân tích cái hỗn loạn tràn ngập khắp mọi nơi trước mắt, nó gây cảm giác e dè, ngại ngùng và tự ti trong tôi.
Đàn ông Pháp quyến rũ
Tôi đưa Trang tới Kobala, một quán bar nhỏ trên sân thượng ở đầu phố Xuân Diệu. Nhạc nhẹ nhàng, không khí dễ chịu hơn nhiều, các vị khách mặc lịch lãm hơn, khung cảnh của Hồ Tây thơ mộng. Chúng tôi ngồi bên góc lan can thân mật. Tôi gọi một chai rượu đỏ nhập khẩu kèm một đĩa thịt nguội, phô mai Pháp. Trang có vẻ rất hài lòng, đôi mắt lấp lấnh. Tôi tranh thủ xích sát vào em, rót rượu vào ly, nói khe khẽ gần như thì thầm vào tai em:
– Em biết không, người Pháp rất sành ăn và coi trọng bữa ăn.
– Thế à?- em mỉm cườithẹn thùng, đôi mắt sáng ngời.
– Và khẩu hiệu của người Pháp là ”on ne vit pas pour travailler, on travaille pour vivre”. Tức là chúng ta làm việc để sống chứ không sống để làm việc, – tôi cố tình nói câu đó bằng tiếng Pháp vì biết giọng tiếng Pháp sẽ làm trái tim Trang chảy tan ra. – Em có hiểu không? Câu đó có nghĩa là người Pháp yêu quý cuộc sống, thích tận hưởng mọi giây phút và buông thả trong những khoái lạc nhất thời… – tôi vừa nói vừa đưa tay vuốt tóc em. – Trang… tóc em thật mềm mại.
– Em cảm ơn anh, – Trang ửng mặt lên, vén tóc để đỡ ngại. – Nicolas, em thích mùi nước hoa của anh, thật thơm, – em nghiêng về phía trước một chút để hít cổ tôi. – Có phải Chanel không anh?
– Không, đây là Christian Dior. Em có thích nước hoa Pháp không? – tôi hỏi và đưa mắt nhìn thẳng vào mắt Trang.
– Em thích con trai Pháp.
Tôi có thể cảm thấy trái tim em bồn chồn cựa quậy:Trang đã sẵn lòng đầu hàng. Tôi thích cảm giác ấy, khi hôn một đôi môi lạ lần đầu tiên, khi chinh phục một phụ nữ và giành thắng lợi. Lúc ấy tôi cảm thấy đắc thắng, hạnh phúc, trọn vẹn. Nhưng một khi đã chinh phục xong, một khi sự không chắc chắn đã bay mất và tôi biết những gì xảy ra tiếp theo, tôi lại mất hứng và ngọn lửa trong lòng nhường chỗ cho sự hụt hẫng. Rồi tôi nhớ lại lời của Loris: ”đứng núi này trông núi nọ”. Nhưng tôi không thể bình tĩnh, tôi không thể cưỡng lại. Tôi phải bắt đầu từ đầu, phải cố gắng nỗ lực để leo núi, lên đỉnh tiếp theo, tôi phải lấp đầy khoảng trống trong lòng, phải hoàn tất lại tiến trình như đó là nhiệm vụ tất yếu của đàn ông, như đó là sứ mệnh của đời tôi. Tôi thấy mình thật yếu đuối trước sức hút của nhiệm vụ đó và trước vẻ đẹp lung linh của phụ nữ. Tôi không còn kìm lòng được mà nhất định phải nếm trái ngọt tiếp theo. Tôi muốn biết mùi vị nó sẽ thế nào, tôi muốn thử những trái ngọt hơn, muốn giành những thắng lợi rực rỡ hơn.
Những thầy ”tây ba lô”
Thứ Sáu một người bạn Canada mời tôi tới bữa tiệc tại nhà mình ở Tây Hồ. Tôi tự nhủ bữa tiệc này là dịp tốt để mở rộng mối quan hệ nên nhận lời. Như tôi đã nghĩ, bữa tiệc này là toàn người tây, chủ yếu người Anh, Mỹ, Úc, Nam Phi. Nghề chung của hầu hết bọn họ: giáo viên tiếng Anh. Tôi dự bữa tiệc này cũng còn vì tò mò muốn tìm hiểu về cộng đồng nước ngoài lớn nhất tại thủ đô (nghe nói chín trên mười người tây ở Hà Nội làm giáo viên tiếng Anh), nhưng tôi nhanh chóng thất vọng vì chúng tôi quá khác nhau. Tôi thấy bơ vơ lạc lõng, tôi không biết bắt chuyện với ai và trò chuyện về chủ đề gì.
Cuối cùng tôi bắt chuyện với Mike, một thầy giáo Ireland tóc màu hoe vàng.
– Cậu dạy lứa tuổi nào?- tôi hỏi, nhấp một ngụm bia rẻ tiền, nét mặt cố giấu cảm giác ghê tởm vì thứ hương vị kinh khủng.
– Mình dạy trẻ con, từ 5 tuổi trở lên, – Mike đáp.
– Năm tuổi ư! – tôi thốt lên bất ngờ. – Chắc là khó lắm vì học sinh bé hay nghịch ngợm.
– Đúng vậy. Trẻ con rất đáng yêu nhưng không chịu ngồi tại chỗ, thích la hét, thích trêu thầy, thích ngoáy mũi…
– Hừm, vất vả quá, còn lương thấp nhỉ? – tôi thở dài.
– Còn lâu mà thấp! – Mike phẩy tay vẻ mặt kênh kiệu. – Tôi kiếm năm trăm nghìn một giờ.
Tôi há hốc mồm vì sửng sốt. Không ngờ những giáo viên tây này có thể kiếm nhiều đến thế, tức là ít nhất một triệu đồng một ngày! Tôi đưa mắt lướt qua đám đông luộm thuộm không chút bắt mắt, tóc tai bờm xờm, tay ôm lon bia mười nghìn đồng. Tôi tự nhiên nhớ đến bọn tây xốc xếchmà Trang và tôi thấy ở quán Sidework và nhận ra họ không thực sự khác với những người dự bữa tiệc này.
– Đừng ngạc nhiên thế, – Mike nói giọng cay đắng như đoán đượcý nghĩ của tôi. – Cậu phải biết rằng người Việt rất kém tiếng Anh nhưng rất mê học nó. Tại đây, người ta đo lường thành công bằng trình độ tiếng Anh, ai cũng muốn nói sõi hơn kẻ khác, ai cũng nghĩ rằng tiếng Anh mở tất cả các cánh cửa, tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến. Thế nên người ta sẵn sàng tiêu cả gia tài của mình để con có thể học tiếng Anh tại trung tâm tư nhân với giáo viên bản ngữ. Tại vì giáo viên Việt thườngphát âm không chuẩn và dạy theo phương pháp lạc hậu. Những trung tâm Anh ngữ đang mọc ở khắp Hà Nộinhư nấm là vì thế đấy.
– Thế thì kiếm việc chắc là khó vì lương cao thế cơ mà? – tôi hỏi tiếp, thấy mình bị câu chuyện của Mike lôi cuốn.
– Còn lâu mà khó!- Mike hét lên, cười ha hả như tôi vừa nói một điều ngờ nghệch. – Thật lòng mà nói, có da trắng và mắt xanh là được. Ha hả! Phụ huynh chỉ muốn một giáo viên phương tây, một gã bản ngữ, trong mắt họ giáo viên bản ngữ mới biết dạy tốt, phát âm chuẩn. Nhưng cậu nghe đây, – Mike nghiêng về phía tôi, hạ giọng như muốn báo một điều quan trọng. – Không phải mọi giáo viên đều là người bản ngữ đâu. Ví dụ, anh kia kìa là người Ba Lan, chị kia đến từ Philippines. Đến từ nước nào thì có gì khác đâu, chỉ cần có ngoại hình nước ngoài là được. Và cậu tin tôi đi, tôi chưa bao giờ gặp một gã tây nào ở Hà Nội không tìm được việc.
– Ý cậu là trên thị trường hiện tại, nhu cầu đang ở mức cao cho nên tiêu chuẩn chất lượng ở bên cung là thấp đúng không?
– Đại loại thế. Và còn tùy chỗ. Tại những chỗ uy tín như British Council, các tiêu chuẩn hơi nghiêm ngặt nhưng mà ở hàng loạt trung tâm mọc ồ ạt mọi góc thành phố thì… chết mẹ!- Mike lại hét lên.
– Thì sao? Cậu nói tiếp đi, cứ nói tiếp đi, – tôi hối hả giục Mike, lòng sốt ruột muốn nghe nốt câu chuyện thú vị này.
– Nhiều người muốn lợi dụng tình hình thị trường để hốt bạc, kiểu thấy bở đào mãi. Họ mở trung tâm, quản lý lỏng lẻo với thái độ mưu mẹo. Lừa dối cả phụ huynh lẫn giáo viên. Không thắc mắc chút nào về kinh nghiệm và khả năng dạy khi tuyển giáo viên, không thắc mắc chút nào về cả học sinh, chỉ chạy theo lợi nhuận mà thôi. Cậu không biết bao nhiêu giáo viên nước ngoài ở Hà Nội dạy chui, thiếu chứng chỉ, thiếu giấy phép lao động, không đóng thuế…
Tôi mở miệng muốn hỏi ”còn cậu có chứng chỉ vớigiấy phép lao động không?”, nhưng lại bỏ đi vào giây chót. Tôi chép miệng, hỏi Mike:
– Tình huống như vậy thì các giáo viên dạy như thế nào?
– Dạy tùy thích, dạy bừa mà thôi. Chơi game, rèn luyện phát âm, làm trò chơi ô chữ, giết thời gian. Học sinh vui trong lớp thế mà đủ rồi. Phụ huynh không biết thực tế hoặc không cólựa chọn nào khác.
Lúc đó một anh tây hiện lên từ đằng sau Mike, vẻ loạng choạng, lè nhè kêu:
– Mike ơi, Mike ơi! Tao say quá rồi. Sáng mai mày dạy thay cho tao được không? Lớp mẫu giáo, hai chục trẻ con, mười bảy đô một giờ.
– Còn lâu! – Mike từ chối vẻ khinh bỉ.
Tôi rời khỏi nhóm kiatrong tâm trạng buồn nản. Giờ tôi có thể hiểu được lý do tại sao Loris tránh xa và coi khinh nhiều giáo viên tây ở Hà Nội.Cách cư xử và lối sống của họ không xứng đáng với nghề nghiệp và địa vị. Họ làm một nghề được xã hội tôn trọng mà sống buông thả như thế này thì vỡ mộng quá rồi. Họ được kiếm mấy chục triệu một tháng mà vẫn ăn mặc rẻ tiền, thích uống bia rẻ và ”quẩy” không khác gì bọn tây ba lô ở phố cổ.
Hoàng tử tây
Tôi hẹn với Hoa tại một nhà hàng Nhật nhỏ trên phố Kim Mã. Đúng theo lời Leo, Hoa là một phụ nữ hấp dẫn, em ăn mặc chải chuốt, mái tóc đen dài đến thắt lưng và gương mặt xinh xắn được trang điểm kỹ.
– Sao anh đẹp trai thế mà chưa có người yêu? – Hoa bỗng lên tiếng như muốn hành hạ tôi thêm bằng một câu hỏi vào chủ đề mà tôi chỉ muốn tránh né.
– Dạo này anh không muốn gắn bó với ai cả vì muốn tập trung vào công việc, – tôi khô khan đáp, cố giấu sự bất mãn bên trong.
– Anh chỉ muốn sống cho riêng mình à, – Hoa khoanh tay trên ngực và nhìn tôi như để phán xét. – Người ta bảo người tây ích kỷ, đúng không?
Câu nói làm cho tôi giật mình và nhói đau, cụm từ cuối thật đáng ghét, tôi từng hy vọng sẽ không bao giờ phải nghe thấy lại nữa.
– Thế em thì sao? Em gần ba chục tuổi mà cũng chưa có người yêu à? – tôi hỏi và mỉm cười nhẹ như để đáp trả.
– Em… em muốn lấy chồng tây, – Hoa buột miệng, mặt ửng lên. – Em nghe nói, đàn ông tây trân trọng, nâng niu phụ nữ, luôn luôn đối xử tốt, ân cần với phái đẹp. Đàng ông Pháp càng ga lăng, hào hoa, họ hôn tay, mở cửa cho phụ nữ…
– Em nghe ai nói vậy? – tôi phải ngắt lời Hoa, liên tục bĩu môi. – Tại sao em không muốn lấy chồng Việt Nam?
– Đàn ông Việt Nam bảo thủ và gia trưởng. Sau khi kết hôn, họ hay ăn chơi, lăng nhăng. Phụ nữ phải vừa làm việc vừa chăm lo gia đình, nhưng luôn phải xếp sau đàn ông…
Lời cay đắng của Hoa làm tôi bàng hoàng.
– Thế em đã yêu bao nhiêu đàn ông Việt Nam rồi? – tôi nhìn thẳng vào mắt em.
– Chỉ một người thôi, – Hoa đáp và lời cụt lủn ấy vang vọng trong yên lặng một lúc dài.
– Em đang vơ đũa cả nắm đấy, – tôi nói giọng nghiêm trang. – Đàn ông tây đâu phải màu hồng như em tưởng, họ khác hẳn cái mẫu đàn ông mà em nhìn thấy trong phim Hollywood. Em có biết tỉ lệ ly hôn ở các nước tây là bao nhiêu?
Nhưng tôi dừng lại, không có ý muốn tranh cãi, lý sự. Rõ ràng Hoa nuôi ảo tưởng về đàn ông phương tây và mơ mộng về một hoàng tử mũi cao, da trắng, thích hôn tay phụ nữ. Một người đàn ông lý tưởng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng lãng mạn, nên thơ của phụ nữ.
Cậu đã bị đá
Đêm đó, tôi thao thức mãi không ngủ được. Cứ chợp mắt một lát là hình ảnh của Trà My với chàng trai mặc áo trắng sữa lại hiện lên. Anh ta là ai vậy? Đồng nghiệp? Bạn? Càng suy nghĩ tôi càng chắc chắn đấy là người yêu mới của Trà My. Là bồ. Là gấu. Điều đó rõ như ban ngày.Yếu tố này làm rõ tất cả mọi chuyện. Trà My đột ngột thay lòng và quyết định chia tay tôi một cách bất ngờ không phải vì tôi đối xử không tốt với em hoặc vì tôi là kẻ lạnh nhạt… mà vì em có chàng trai khác. Chính gã kia là lý do khiến cuộc tình của chúng tôi tan vỡ. Chính vì gã kia mà tôi cảm thấy khổ sở thế này, thậm chí tôi đã bị cắm sừng.
Ý tưởng này làm tôi giận sôi máu. Giờ đã khuya nhưng mỗi lúc tôi lại càng tỉnh táo, càng bị giày vò bởi những ý tưởng ghê gớm và trí tưởng tượng ngông cuồng.
Tôi nghĩ lâu về gã trai kia. Tôi đặt tên gã là Tuấn. Tuấn chắc là sinh viên đại học. Tôi tự hỏi Tuấn sở hữu những phẩm chất nào mà Trà My quyết định bỏ rời tôi. Có lẽ Tuấn là một kẻ dẻo miệng ba hoa, quyến rũ phụ nữ bằng lời mật ngọt và sau đó chạy trốn như chuột khi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Có lẽ Tuấn chỉ nói anh yêu em để dụ em vào nhà nghỉ.
Đồng hồ chỉ hai giờ sáng.
Và tại sao Trà My không nói thẳng với tôi rằng em yêu thương người khác? Tại sao không thú nhận là không còn chung thủy với tôi nữa và môi em giờ đã hôn môi kẻ khác? Thay vào đó, em đổ lỗi cho tôi về mọi thứ, làm tôi như kẻ vô tâm vô tình, làm tôi cảm thấy khổ sở như thằng khốn nạn nhất? Tại sao đồ đáng ghét kia không đủ can đảm để nhìn vào mắt tôi và nói sự thật?
Ba giờ sáng rồi.
Cậu đã bị đá. Lời kia cứ vang vọng trong tâm trí tôi như lời nguyền rủa. Tôi phát điên đây.
Đêm đó tôi nằm mơ thấy Tuấn đèo Trà My đi qua thành phố. Em ôm eo anh ta, hai đứa thủ thỉ, cười với nhau. Thi thoảng Tuấn tranh thủ luồn tay chạm vào đùi em… Tại chỗ dừng đèn giao thông, Tuấn quay đầu đưa môi lên môi em… Thật gớm ghiếc.
Sau đêm lê thê đó tôi đón buổi sáng mệt nhoài, hoang mang. Cơn ghen bóp nghẹt lồng ngực tôi đến mức không chịu nổi. Tôi vào bếp, thấy cả một lũ kiến đã bâu đầy trên đĩa thức ăn của tôi. Tôi uất ức, trút cơn giận trên lũ kiến, hăm hở đập chết chúng nó, giết từng con một,hứng khởi nhìn chúng giãy giụa… Cậu đã bị đá. Những lời kia như dần xé ruột xé gan. Tôi phải trả đũa em, nhất định phải làm thế, nhưng tôi chưa nghĩ ra cách nào.
Tôi quyết định tống khứ tất cả vật dụng của Trà My ra khỏi nhà. Tôi nhắn tin bảo em đến lấy đồ đạc của mình. Không có tin trả lời. Rồi tôi nhắn tin bảo em qua lấy Pi, con heo đất của chúng tôi, bởi tôi không thèm nuôi nó nữa. Lần này có trả lời: ”Em chẳng cần thứ gì từ anh đâu. Hãy để em yên”.
Trong nháy mắt cơn giận trong tôi bùng nổ và tôi nắm lấy con Pi, ném nó hết sức xuống sàn. Cậu đã bị đá. Con Pi bị vỡ tan thành hàng trăm mảnh. Những tờ giấy bạc lộ ra dưới đám mảnh sành vỡ.
Tôi sửng sốt nhìn vào đó một lát, rồi những giọt nước mắt lăn xuống má. Tôi cảm thấy vừa hối hận vừa mềm lòng, cơn giận như đã vỡ tan cùng với con Pi.
Tôi thật ngốc nghếch. Cái quay lưng rời đi của em là xong chuyện, tôi không cần giữ ảo tưởng về một cuộc tình đã chết. Chấm hết. Sự thật này lại tát vào mặt tôi. Cùng lúc, tôi thấy dìu dịu trong lòng. Tôi quyết định nói với Trà My rằng tôi biết về Tuấn áo trắng sữa, không phải vì ghen tuông mà vì tò mò muốn biết em sẽ phản ứng ra sao. Tôi bắt đầu gõ trên điện thoại ”Anh biết về bồ em” nhưng xóa đi, viết lại: ”Anh biết em có người yêu mới”. Tôi gửi tin nhắn, tim đập mạnh lên, có cảm giác đắc thắng.
Tôi không phải đợi lâu, Trà My trả lời: ”Anh theo dõi em à? Anh họ em từ quê lên Hà Nội chơi vài hôm. Em xin anh đừng quấy rầy nữa”.
Tôi vứt điện thoại xuống sàn.